Được tạo bởi Blogger.

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Chắp và lẹo

Đây là những bệnh thường gặp ở bờ mi mắt. Hai bệnh này khác nhau nhưng hay bị nhầm lẫn. Bệnh gây đau nhức bờ mi, kết hợp với tình trạng phù nề làm cho bệnh nhân khó chịu khi nhìn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt.

Chắp là tình trạng viêm mạn tính của tuyến Meibomius. Triệu chứng: bệnh nhân thấy xuất hiện một cục nhỏ như hạt đỗ rắn và không di động theo da, sờ nắn rõ. Tổn thương nằm xa bờ mi, không sưng, không đỏ, không đau, không lên mủ. Nếu bị bội nhiễm, cục viêm sẽ hóa mủ.


Lẹo là tổn thương viêm cấp của tuyến Zeiss bị áp xe hóa nằm ngay ở chân lông mi, với những tính chất khác hẳn chắp.

- Triệu chứng điển hình của viêm cấp tại chỗ: sưng, nóng, đỏ, đau và tiến triển nhanh. Có khi sưng ít, nhưng thường sưng to cả mi mắt.

- Lẹo ở sát ngay bờ mi và dính chặt vào da mi. Sau 3-4 ngày lẹo làm mủ rồi vỡ. Tổn thương hay tái phát hết mi này sang mi kia.

Xử trí: Do tổn thương bệnh lý khác nhau nên phương pháp xử trí hai bệnh này cũng khác nhau.

Chắp: - Nếu tổn thương bé thì không cần can thiệp.

- Nếu tổn thương lớn quá hoặc đã bội nhiễm hóa mủ thì cần rạch tháo mủ và nạo sạch tổ chức viêm. Do tổn thương mạn tính nên thường tổ chức xơ phát triển, cần chú ý nạo kỹ cả vỏ xơ của tổn thương để tránh tái phát.

Lẹo: - Khi mới xuất hiện (chưa tạo mủ) thì điều trị bảo tồn: dùng thuốc khác sinh (uống hoặc viêm).

- Khi đã tạo mủ cần rạch tháo mủ và nạo sạch tổ chức viêm. Sau thủ thuật cần băng bất động mi mắt 1-2 ngày.

- Để phòng ngừa bệnh này cần chú ý giữ vệ sinh mắt và bờ mi, nhất là sau khi đi qua những vùng bụi bặm, rửa mi mắt bằng nước sạch, tra kết mạc bằng dung dịch natri clorit 0,9%. Có thể bôi một lượt mỏng mỡ kháng sinh (mỡ tetracilin 1%) hàng ngày vào bờ mi.

Đông y điều trị chắp, lẹo thường dùng một số phương pháp sau:

- Xông mắt bằng cách lấy lá trầu không giã nát, cho vào một cốc nước nóng và đưa miệng cốc đến gần mắt bị tổn thương, cách khoảng 10 cm.

- Châm: Châm và nặn máu ở huyệt Phế du.

Chú ý không nên chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo hướng dẫn, vì những phương pháp này dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp, những tổn thương này đều tồn tại dai dẳng, khó chữa trị.

Bác sĩ Kiều Minh, Sức khoẻ và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét