Tiểu đường type 2 hay còn gọi là đái tháo đường type 2 là căn bệnh chiếm tới 90% số bệnh nhân mắc tiểu đường. Tuy vậy, nhiều người không biết bệnh tiểu đường type 2 là gì, dấu hiệu nhận biết bệnh thế nào để thăm khám, điều trị kịp thời và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Tiểu đường type 2 là gì?
Bệnh tiểu đường type 2 phát sinh do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc suy giảm khả năng sử dụng insulin để duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường. Do đó, ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao hơn bình thường.
Người mắc tiểu đường type 2 có thể do di truyền hoặc do thừa cân, ít vận động, không tập thể dục. Bệnh này thường xảy ra ở độ tuổi trên 40 nhưng gần đây bệnh có xu hướng xuất hiện ở những người độ tuổi trẻ hơn.
Tiểu đường type 2 chiếm tới gần 90% số bệnh nhân tiểu đường
Những đối tượng dễ bị tiểu đường type 2
- Người trên 40 tuổi.
- Có cha mẹ, anh chị em ruột bị tiểu đường.
- Người có chỉ số BMI > 23 (chỉ số BMI = cân nặng tính bằng kg/chiều cao x 2 tính bằng mét), vòng eo trên 80cm với nữ và trên 90 cm với nam.
- Có tiền sử sản khoa đặc biệt như xảy thai, thai chết lưu, tiểu đường thai kỳ, sinh con nặng trên 4kg.
- Người bị tăng huyết áp vô căn ( ≥ 140/90 mmHg), tăng mỡ máu, đột quỵ hoặc mạch vành.
- Người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết lúc đói.
- Người uống rượu nhiều, ngồi nhiều, béo phì, thừa cân, chế độ ăn nhiều chất béo.
Dấu hiệu nhận biết mắc tiểu đường type 2
- Tiểu nhiều, khát nhiều: Cơ thể cần thoát ra khỏi tình trạng dư thừa đường là thải đường qua nước tiểu nên bạn hay đi tiểu nhiều. Càng đi tiểu nhiều, cơ thể lại càng cần bổ sung nhiều nước để bù lại lượng nước bị mất nên bệnh nhân hay cảm thấy khát nước.
- Ăn nhiều: Nồng độ insulin trong cơ thể luôn ở mức cao sẽ tăng cảm giác đói nên cơ thể luôn có cảm giác muốn ăn và ăn nhiều.
- Mệt mỏi: Khi bị tiểu đường, cơ thể không còn khả năng sử dụng glucose để tạo thành năng lượng và phải chuyển sang dùng mỡ để tạo ra năng lượng. Quá trình này đòi hỏi phải sử dụng nhiều năng lượng hơn và khiến cơ thể luôn mệt mỏi.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 không hấp thu được calo trong thức ăn, đồng thời bị mất đường, mất nước qua nước tiểu và dẫn đến giảm cân nhanh chóng.
Mệt mỏi, tiều nhiều, khát nhiều, sút cân là những dấu hiệu của đái tháo đường type 2
- Vết thương lâu lành: Nồng độ đường trong máu cao khiến các bạch cầu hoạt động không bình thường nên các vết thương lâu lành và da dễ bị nhiễm trùng hơn (nhiệm vụ của bạch cầu là bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi trùng và chữa lành vết thương).
- Nhiễm trùng: Bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm nấm sinh dục vì lượng đường trong các mô tế bào giúp vi khuẩn gây bệnh phát triển tốt.
- Tâm trạng thất thường: Nếu bạn có biểu hiện lo âu, cáu gắt vô cớ, mất tập trung, ngủ mê hoặc lẫn lộn đều có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 2.
Biến chứng của tiểu đường type 2
Khi bệnh đái tháo đường type 2 không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về mắt, thận, tim mạch, thần kinh, thậm chí là hôn mê. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao làm tổn thương mạch máu, dây thần kinh, tăng khả năng nhiễm trùng và giảm khả năng miễn dịch ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Do đó, nếu nghi ngờ có bệnh tiểu đường, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay và làm các xét nghiệm để có kế hoạch điều trị thích hợp.
Chân tay sưng, tấy đỏ là biến chứng thần kinh do tiểu đường
Tiểu đường type 2 gây biến chứng ở mắt, bệnh nhân bị đục thủy tinh, thoái hóa võng mạc, thậm chí là mù lòa. Ở thận, bạn dễ bị phù mắt cá chân, phù cẳng chân hoặc cẳng tay. Bệnh nhân đái tháo đường còn có thể bị cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch; biến chứng về thần kinh bệnh nhân có thể gặp phải đó là cảm giác bỏng rát, tê bì, ngứa ở đầu ngón chân, ngón tay. Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp phải một số biến chứng khác như nhiễm trùng dai dẳng ở miệng, da, chân, phổi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét